KẾT QUẢ NỔI BẬT NĂM 2017 CỦA BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN VIỆT NAM

1. Cơ cấu tổ chức

Năm 2017, Bảo tàng TNVN đã thành lập thêm 01 trung tâm, nâng tổng số đơn vị lên 10, bao gồm: Phòng Quản lý tổng hợp; Phòng Truyền thông và Giáo dục cộng đồng; Phòng Chế tác vật mẫu và thiết kế trưng bày; Phòng Quản lý bộ sưu tập mẫu vật; Phòng Địa chất; Phòng Địa lý, thổ nhưỡng và môi trường; Phòng Sinh học; Phòng Phân loại học thực nghiệm và Đa dạng nguồn gen; Phòng Bảo tồn thiên nhiên; và đơn vị mới thành lập là Trung tâm Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên và cứu hộ Động thực vật.

Hội đồng khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam gồm 15 thành viên: Chủ tịch Hội đồng khoa học: PGS. TS. Lưu Đàm Cư;  Phó chủ tịch Hội đồng khoa học: TS. Phan Kế Long; Thư ký Hội đồng khoa học: TS. Trần Thị Phương Anh.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Phó trưởng phòng Phòng Quản lý tổng hợp.

Một cán bộ của bảo tàng được nhận Huân chương Lao động hạng III, 03 cán bộ được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Nghiên cứu viên cao cấp (hạng I), 01 cán bộ được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

2. Kết quả hoạt động thường xuyên

            Phòng “Trưng bày tiến hóa sinh giới”, tính từ tháng 1/12/2016 đến hết 30/11/2017, đã đón hơn 61.000 lượt khách tham quan; trong đó học sinh (bao gồm tiểu học, THCS, THPT) và sinh viên chiếm 41%; lứa tuổi mầm non chiếm 37%, các nhóm đối tượng khác chiếm 22%. Tổ chức, hướng dẫn cho học sinh tham quan và học tập tại Phòng Trưng bày: đón tiếp 49 trường từ Tiểu học đến Đại học, tăng hơn so với năm 2016 là 8 trường. Tham gia nhiều triển làm trưng bày như triển lãm “Tuần Văn hóa Du lịch di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”  và nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch; Triển lãm ảnh “Nhịp đập đa dạng sinh học Việt Nam – Đài Loan”; Tổ chức Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Em yêu thiên nhiên”; v.v.

Bảo tàng thực hiện được 38 đợt tiếp nhận mẫu vật từ công an tỉnh Hà Tĩnh, công an huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, Vườn Thú Hà Nội, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Công an tỉnh Nghệ An; đã tiếp nhận được 125 mẫu động vật trong đó có 05 mẫu Hổ, 01 bộ da Hổ, 12 cá thể Vọoc Hà Tĩnh, 01 Vượn đen má trắng, 01xác Rái cá, 01 cá thể Víc, 31kg  ngà Voi vụn, 01 xác Báo gấm, 04 xác Beo lửa;  ngoài ra còn tiếp nhận nhiều mẫu khác như Khỉ đuôi dài, khỉ duôi lợn, Tê tê java, , Cu li, Chim cắt, Gà lôi lam, Diệc xám, Công,..... xử lý sơ bộ được 20 mẫu da, 17 mẫu xương, xử lý thuộc da chờ chế tác 06 mẫu da.

Về địa chất đã tiếp nhận 06 mẫu đá Bazan cột tại Đăk Mil, Đăk Nông (Tây Nguyên), 03 mẫu đá granit dạng lõi khoan chứa quặng Vonfram tại khu vực Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, 01 mẫu Aquamarin tại Sao An, Thường Xuân, Thanh Hóa. Bảo tàng cũng tiếp nhận 02 mẫu thớt gỗ Hoàng đàn và Thông hai lá dẹt kích thước lớn tại vườn Quốc gia Bi Doup Núi Bà, Đà Lạt, Lâm Đồng.

            Thực hiện chức năng chế tác mẫu vật phục vụ cho trưng bày, Bảo tàng Thiên nhiên đã triển khai một số đề tài ứng dụng phương pháp mới trong chế tác mẫu vật trong điều kiện của Việt Nam. Bảo tàng hiện đang phối hợp cùng chuyên gia Đức chế tác mẫu Cụ Rùa Hồ Gươm.

            Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phu về Quy hoạch tổng thể Hệ thống bảo tàng thiên nhiên của Việt Nam (Theo Quyết định 86/2006/QĐ-TTg): Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với vai trò là bảo tàng đầu hệ đã hỗ trợ về cơ sở pháp lý và kinh nghiệm cho các bảo tàng thành viên trong hệ thống về công tác tổ chức, chuẩn bị đầu tư xây dựng và thực hiện dự án, thu thập và bảo quản mẫu vật, trưng bày, truyền thông và giáo dục cộng đồng. Hỗ trợ kinh phí cho Bảo tàng Địa chất, Phòng tiêu bản mẫu của Viện Sinh học Nhiệt đới, Bảo tàng Sinh học của Viện nghiên cứu Khoa học Tây nguyên, Hỗ trợ Bảo tàng Hải dương học tại Đồ Sơn, Phòng tiêu bản thực vật và Phòng Bảo tàng Động vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Kiểm tra, đôn đốc định kỳ và trao đổi với các bảo tàng thuộc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Trao đổi về một số dự án xây dựng Bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam" và hội nghị thường niên đánh giá kết quả hoạt động năm 2017 của Hệ thống.

            Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang triển khai xây dựng đề xuất mô hình “Vườn Động vật” và “Trung tâm phân tích và giám định mẫu địa chất và sinh học”.

3. Xây dựng cơ sơ vật chất, trang thiết bị

            Năm 2017, Dự án “Tăng cường tiềm lực nghiên cứu, phân tích và giám định trong lĩnh vực sinh học và khoa học trái đất”  thực hiện ký kết hợp đồng đúng tiến độ. Hàng năm, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đều tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng các thiết bị, các thiết bị lớn đều đã được xây dựng quy chế sử dụng, đào tạo cán bộ, bắt đầu đưa vào hoạt động, hiện các thiết bị đều được sử dụng thường xuyên và được đánh giá là hoạt động tốt.

            Dự án “Xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam” đã Lập quy hoạch chi tiết 1/500 trình Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà nội để phê duyệt, tổ chức cắm mốc dự án, chuẩn bị thi tuyển kiến trúc và đang trình phê duyệt dự án thành phần số 1: Chuẩn bị mặt bằng xây dựng thuộc dự án Bảo tàng TNVN” giai đoạn I (2016-2020).

            Dự án “Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động vật, thực vật thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam” và dự án "Giao thông kết nối hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động vật, thực vật thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam" đang triển khai các gói thầu tư vấn, gói thầy xây lắp đúng tiến độ đề ra.

4. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Năm 2017, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện 35 nhiệm vụ, dự án và đề tài các cấp trong bao gồm 10 đề tài cấp cơ sở, 03 đề tài hỗ trợ cán bộ trẻ, 04 đề tài thuộc Quỹ Phát triển khoa học Quốc gia (NAFOSTED), 04 đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 01 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài thuộng Chương trình Tây nguyên giai đoạn 2016-2020; 01 đề tài thuộc chương trình Tây Bắc giai đoạn 2013-2018, 03 Đề tài hợp tác với địa phương. Trong đó có 07 đề tài mở mới, 02 đề tài đã được nghiệm thu. Bảo tàng đứng thứ 5 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về hợp đồng nghiên cứu khoa học.

Dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam”. Bảo tàng TNVN chủ trì 07 dự án thành phần thuộc nguồn sự nghiệp khoa học, 01 dự án thành phần thu thập mẫu vật thuộc nguồn sự nghiệp văn hóa và theo dõi điều hành 08 dự án thành phần thu thập mẫu vật nguồn sự nghiệp văn hóa do Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Hải dương học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Sinh thái học Miền Nam, Viện Địa chất, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Sinh học Nhiệt đới và Viện Nghiên cứu Khoa học Tây nguyên chủ trì.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có 102 công trình công bố và sách chuyên khảo trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước có uy tín; trong đó, 65 bài báo quốc tế bao gồm 13 bài trong tạp chí thuộc danh sách SCI, 33 bài trong tạp chí thuộc danh sách SCI-Expanded (đạt 1,6 bài SCI, SCI-E/1 cán bộ), 09 bài đăng trên các tạp chí của Viện Hàn lâm KHCNVN không thuộc danh mục Scopus và 26 bài báo khác trong các tạp chí có chỉ số ISSN/ISBN và 02 sách chuyên khảo. Bảo tàng đứng thứ 2 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về số bài báo có chỉ số SCI/số cán bộ nghiên cứu.

Số loài mới cho khoa học đã công bố là 33, trong đó có 25 loài động vật, 8 loài thực vật và bổ sung 1 loài thực vật cho hệ thực vật Việt Nam.

Về Hợp tác quốc tế: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã có 57 bản ghi nhớ với các Viện nghiên cứu, các Bảo tàng và các tổ chức nước ngoài. Năm 2017 đón tiếp 31 đoàn vào với 106 lượt khách, làm thủ tục cho 24 đoàn ra của Bảo tàng đi công tác trao đổi khoa học và 04 đoàn đi học tập tại nước ngoài. Hiện nay, Bảo tàng có 03 cán bộ đang được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

Về công tác đào tạo đại học và sau đại học, các cán bộ Bảo tàng TNVN đã tham gia giảng dạy tại Học viện Khoa học và Công nghệ, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo, tham gia hướng dẫn nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng đã tổ chức 05 hội thảo trong nước và 02 hội thảo quốc tế trong lĩnh vực truyền thông và khoa học./.

Tin cùng loại