Mã vạch ADN là công cụ hữu hiệu trong phân loại đến loài sinh vật sử dụng đoạn ADN ngắn. Chi Amentotaxus, bao gồm 5-6 loài thực vật giới hạn phân bố ở Nam Trung Quốc, Đông bắc Ấn Độ, Lào và Việt Nam. Tất cả các loài thuộc chi Amentotaxus hiện được xác định đang ở cấp độ nguy cấp toàn cầu hoặc cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ số lượng loài trong chi này, đặc biệt ở vùng biên giới giữa Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam và Lào. Trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn 5 mã vạch ADN (rbcL, matK, trnH-psbA, trnL-F, ITS) để nghiên cứu khả năng phân biệt giữa các loài trong chi Amentotaxus cũng như nghiên cứu tình hình phân loại của chi Amentotaxus hiện nay.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra tất cả các vùng gen đã chọn có phổ rộng trong phản ứng PCR và giải mã trình tự. Trình tự vùng gen ITS ribosome và vùng gen lục lạp trnL-F có khả năng phân biệt thành công được 6 loài trong chi Amentotaxus với độ tin cậy cao (60%) và khi sử dụng kết hợp hai vùng gen này cũng đã cho kết quả tương tự. Tuy nhiên, khi kết hợp thêm các vùng gen khác không cho kết quả tốt hơn. Trong 5 loài đã biết của chi Amentotaxus, loài A. Hatuyenensis T. H. Nguyen được coi là tên đồng nghĩa của loài A. Yunnanensis H. L. Li với độ tin cậy cao (100%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng khẳng định bộ sưu tập Amentotaxus spp. hiện nay thu thập ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Lào có khả năng có loài mới. Kết quả này cũng có giá trị cho việc xây dựng mô hình bảo tồn các loài Amentotaxus ở mỗi quốc gia và vùng đệm biên giới giữa các nước trong khu vực.
Nguồn tài liệu:
Lian-Ming Gao, Yan Li, Loc Ke Phan, Li-Jun Yan, Philip Thomas, Long Ke Phan, Michael Moller, De-Zhu Li (2016). DNA barcoding of East Asian Amentotaxus (Taxaceae): Potential new species and implications for conservation. Journal of Systematics and Evolution. doi: 10.1111/jse.12207
Tin: TS. Phan Kế Long
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam