MỘT LOÀI MỚI THUỘC CHI MEISTERA THUỘC HỌ GỪNG PHÁT HIỆN Ở TÂY NGUYÊN

Trong quá trình nghiên cứu thực địa tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai vào các năm 2012, 2016, 2018, 2022, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, vườn Thực vật Singapore, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, viện Sinh thái học miền Nam và Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga đã phát hiện hai quần thể thuộc chi Meistera (họ Gừng), nhưng không giống bất kỳ loài nào đã biết thuộc chi này. Loài mới được đặt tên là Meistera muriformis, loài cây này  mọc ở các khu rừng núi hỗn hợp lá rộng thường xanh, đôi khi gần các dòng suối ở độ cao 865-1223 m so với mực nước biển. Ra hoa vào tháng 3-5, có quả vào tháng 4-12. Loài này mới được ghi nhận ở Tây Nguyên thuộc 2 tính Kon Tum (huyện Kon Plông) và Gia Lai (huyện K'Bang). Loài cây này cao đến 1,8 m, mọc thành bụi, mỗi bụi có khoảng 2-15 cây. Bẹ lá màu xanh, có gân hình mạng lưới, mép có lông dày; lưỡi lá xẻ 2 thùy; cuống lá dài đến 5 mm; phiến lá dạng thuôn dài, nhẵn, cỡ 14,5–32,0 × 5,0–9,0 cm. Cụm hoa mọc ở gốc, thường có 1-2 cụm hoa trên mỗi gốc, hình trứng dài 4-7 cm, thường có 3 hoa nở cùng lúc. Hoa có cánh môi hình trứng, đầu rách mép, cỡ 1.5–1.7 × 1.4–1.6 cm, màu trắng với dải màu vàng ở giữa, nửa dưới có lông mềm. Quả hình cầu đến gần hình cầu, đường kính đến 2 cm, màu đỏ, có gai mềm, gai không phân nhánh, dài 2–3 mm, có lông dài ; hạt có góc cạnh không đều đến hình bán cầu, đường kính 3–4 mm, màu nâu sẫm, được bao quanh bởi lớp áo hạt màu trắng mọng nước. Chi Meistera tách ra từ chi Sa nhân (Amomum), ở khu vực Đông Dương (Campuchia, Lào và Việt Nam) có 14 loài, riêng ở Việt Nam có 13 loài.

Nguồn trích dẫn tài liệu: Jana Leong-Škorničková. Jana Leong-Škorničková. Nguyễn Quỗc Bình (2023). A key to Meistera (Zingiberaceae: Alpinioideae) in Cambodia, Laos and Vietnam,  with a description of a new species, M. muriformis. Phytotaxa 618(2):149-160.

Nguồn tin: Nguyễn Quốc Bình, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST

Tin cùng loại