PHÁT HIỆN HAI LOÀI RẦY MỚI CHO KHOA HỌC Ở VIỆT NAM

Các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Vương quốc Bỉ vừa công bố 2 loài rầy mới thuộc giống Orthophana Melichar, 1923 và giống Goniopsarites Meng, Wang & Wang, 2014 (họ Nogodinidae, bộ Hemiptera).

Giống Goniopsarites lần đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam. Trên thế giới mới chỉ có 4 loài thuộc giống Orthophana Melichar, 1923 được công bố. Đây cũng là lần đầu tiên giống này được ghi nhận có mặt tại Việt Nam. Với việc ghi nhận này cho thấy rằng dường như giống Orthophana chỉ sống ở độ cao từ 1000 đến 1600m (Constant & Pham, 2014) trong rừng nhiệt đới thường xanh. Tất cả các loài Orthophana đều được biết đến rất với ít mẫu vật và không biết về cây chủ của chúng. Theo ghi nhận của chúng tôi, các loài thuộc giống Orthophana không phải là các loài côn trùng phổ biến.

Loài rầy thuộc giống Orthophana được mô tả cách đây gần một thế kỷ (năm 1923) và là loài duy nhất. Năm 2014, Gnezdilov & Constant (2014) và Constant & Pham (2014) đã bổ sung liên tiếp hai loài và một phân loài mới từ Việt Nam. Orthophana (Orhophana) bidoupensis Constant & Pham, 2014 và Orthophana (Eupharos) tamdaoina Gnezdilov & Constant, 2014 từ miền Trung và miền Bắc Việt Nam.

Các loài mới được đặt tên khoa học như sau:

Orthophana (Orthophana) maichiae Constant & Pham, 2016 và Goniopsarites tonkinensis Constant & Pham, 2016 (hình 1).

Hình 1. Loài Orthophana (Orthophana) maichiae Constant & Pham, 2016: A, nhìn từ mặt bên. B, đầu nhìn từ mặt bụng. C, nhìn từ mặt lưng. D, cánh sau bên phải.

Loài này có thể dễ dàng phân biết với loài Orthophana (Eupharos) tamdaoina bằng gai ở ngọn cánh trước (loài Orthophana (Eupharos) tamdaoina không có gai ở ngọn cánh trước) và các gân Sc và R của cánh trước chạy tách biệt từ ô gốc cánh (hợp nhất ở loài Orthophana (Eupharos) tamdaoina), khác với loài Orthophana (Orthophana) bidoupensis bởi cánh trước cánh sau và đầu dài hơn, khác với loài Orthophana (Orthophana) bidoupensis bởi màu nâu vàng (có thể là màu xanh lá cây nếu là mẫu tươi) (màu nâu ở loài Orthophana (Orthophana) bidoupensis) và cánh trước, cánh sau và đầu dài hơn. Chiều dài từ đỉnh đầu tới ngọn cánh = 15mm.

Hình 2. Loài Goniopsarites tonkinensis Constant & Pham, 2016: A, nhìn từ mặt lưng. B, nhìn từ mặt bên. C, nhìn từ nửa bên. D, nhìn từ mặt bụng. E, nhìn từ phía trán. F, nhìn từ trước trán

Loài này rất giống với loài G. fronticonvexus Meng, Wang & Wang, 2014 và phải sử dụng đặc điểm của bộ phận sinh dục con đực để phân biệt. Chiều dài từ đỉnh đầu tới ngọn cánh = 12mm

Loài mới của giống Goniopsarites cho thấy mối quan hệ rất chặt chẽ giữa khu hệ động vật ở Đông Nam Trung Quốc và Hải Nam, và khu hệ động vật ở miền Bắc Việt Nam. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các đặc điểm của bộ phận sinh dục con đực khi xác định tên các loài có rầy. Loài Goniopsarites tonkinensis dường như khá phổ biến trong môi trường sống phù hợp như ở Vườn Quốc gia Ba Bể. Tuy nhiên, các yêu cầu sinh thái chính xác của nó vẫn cần được xác định.

Mô tả chi tiết của các loài được đăng tải trên Tạp chí Côn trùng học của Bỉ (Belgian Journal of Entomology 40: 1-16 (2016).

 

Tin và ảnh : Phạm Hồng Thái
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Tên bài báo :

Constant, J., Pham, H.T., 2016. Two new Nogodinidae from Vietnam  in the genera Orthophana Melichar, 1923  and Goniopsarites Meng, Wang & Wang, 2014  (Hemiptera: Fulgoromorpha: Nogodinidae). Belgian Journal of Entomology 33 : 1-16. urn:lsid:zoobank.org:pub:1C2B29AC-B426-4665-9121-7ADFD94090E3.

Tin cùng loại