PHÁT HIỆN LOÀI CÓC MỚI CHO KHOA HỌC Ở VIỆT NAM

Một loài cóc mới cho khoa học vừa được các nhà khoa học phát hiện và mô tả từ Đà Nẵng, Việt Nam, loài Cóc mày rôly, có tên khoa học là Leptolalax rowleyae.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Bảo Tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh học nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á, Trường Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov, LB Nga, và Bảo tàng Royal Ontario, Canada vừa phát hiện một loài cóc mới cho khoa học. Loài mới có tên khoa học là Leptolalax rowleyae và được đặt tên tiếng Việt là “cóc mày rôly”, theo tên của nhà lưỡng cư bò sát người Australia, Jodi Rowley. Hiện tại loài mới chỉ được biết tới từ bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, phân bố ở rừng thường xanh có độ cao từ 380–645m.

Cóc mày rô-ly
(Ảnh: Nguyễn Thành Luân)

Đây là loài thứ 10 được phát hiện trong nhóm loài có kích thước nhỏ Leptolalax applebyi (chiều dài cơ thể SVL = 23,4–25,4mm ở con đực và 27,0–27,8 mm ở con cái). Nhóm loài L. applebyi có mức độ đa dạng và tính đặc hữu rất cao. Theo ước tính, mức độ đa dạng loài được biết đến mới chỉ bằng 1/3 mức độ đa dạng thực tế. Phạm vi phân bố hẹp, cục bộ khiến những loài thuộc nhóm này rất dễ bị tổn thương do mất môi trường sống và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Sự phát hiện loài mới L. rowleyae là ghi nhận đầu tiên cho sự có mặt của giống Leptolalax trên bán đảo Sơn Trà. Các loài của giống Leptolalax thường được biết tới phân bố ở đất liền.

Chi tiết bài báo đăng trên tạp chí Zootaxa. No 4388 (1): 001–021 (2018)

Tin: NCS. Dương Văn Tăng
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tin cùng loại