PHÁT HIỆN LOÀI THỰC VẬT MỚI Ở QUẢNG TÂY, TRUNG QUỐC

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu đa dạng thực vật vùng núi đá vôi Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, nhóm các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Thực vật Quảng Tây, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Đại học Shaoguan, Trung Quốc; và Tổ chức bảo tồn Tai voi, Hoa Kỳ đã phát hiện và mô tả loài Sơn nữ mới có tên khoa học là Oreocharis tetrapterus F. Wen, B. Pan & T.V. Do, thuộc họ Tai voi (Gesneriaceae). Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu tính đa dạng của một số nhóm thực vật núi đá vôi ở dãy núi Gupo, phía Đông của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu bảo tồn thực vật Tai voi, Viện Thực vật Quảng Tây, Trung Quốc và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong tháng 8 năm 2016.

Chi Sơn nữ (Oreocharis) gồm khoảng 120 loài, phân bố chủ yếu vùng nhiệt đới. Trong đó, Trung Quốc là trung tâm dạng của chi này với khoảng 100 loài đã được ghi nhận cho khu hệ thực vật Trung Quốc. Ở Việt Nam, chi này mới được ghi nhận 9 loài.

Loài mới Oreocharis tetrapterus được đặc trưng bởi những đặc điểm hình thái như: cánh tràng lớn, màu vàng tươi, có 4 thùy, 2 thùy trên và 2 thùy dưới phân biệt, mặt trong của các thùy tràng có các chấm hay đốm màu nâu sẫm. Loài mới có đặc điểm hình thái khác biệt so với các loài trong chi Sơn nữ, do cánh tràng chỉ có 4 thùy. Một số loài khác trong chi Sơn nữ như O. sinensis and O. esquirolii đôi khi cánh tràng có 4 và 5 thùy. Tuy nhiên, các loài này có thể dễ dàng phân biệt với loài mới bởi đặc điểm hình thái, kích thước, và màu sắc của bao hoa.

Kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành Phytokeys https://phytokeys.pensoft.net/article/35434/

Ảnh: Hình thái chung của Oreocharis tetrapterus (Đỗ Văn Trường)

TS. Đỗ Văn Trường
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tin cùng loại