Nghiên cứu gần đây về cổ thực vật ở Việt Nam đã giúp chúng ta hiểu biết thêm về lịch sử đa dạng sinh học và các điều kiện cổ khí hậu trong quá trình kiến tạo địa chất ở khu vực Đông Nam Á. Trong chương trình hợp tác nghiên cứu về cổ thực vật ở Việt Nam, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Vườn Thực vật nhiệt đới Xishuangbana, Trung Quốc đã phát hiện và mô tả một loài thực vật hóa thạch mới thuộc họ Cau dừa (Arecaceae), được bảo quản tốt trong hệ tầng Đồng Hô, Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, miền bắc Việt Nam (thế Tiệm tân – Oligocene). Loài mới được đặt tên là Sabalites colaniae A.Song, T.Su, T.V.Do et Z.K.Zhou, có đặc điểm hình thái đặc trưng như phiến lá hình quạt, cuống lá gần như nhẵn, và lớp biểu bì ở hai mặt lá với nhiều lố khí khổng được bảo quản tốt. Cùng với các bằng chứng cổ sinh vật học và cổ khí hậu khác, chúng tôi cho rằng khí hậu ở miền bắc Việt Nam và các khu vực lân cận trong giai đoạn thế Tiệm tân (Oligocene) là tương đối ấm hơn so với hiện tại.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành Plant Diversity 44: 406-416 (2022). https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2468265921001086
Hình 1: Hình thái loài Sabalites colaniae A.Song, T.Su, T.V.Do et Z.K.Zhou (nguồn: Song et al. 2022)
Nguồn tin: Đỗ Văn Trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST