Trong quá trình thực hiện chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Công nghệ Chimie Paris đã tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học từ tinh dầu của loài Giổi chanh (Magnolia citrata) và đánh giá tiềm năng kháng vi sinh vật của loài này. Tinh dầu được thu từ các bộ phận lá, cành và vỏ thân bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước. Hàm lượng tinh dầu thu được từ cành, lá và vỏ thân lần lượt là 0,06%, 0,05% và 0,16%.
Bằng phương pháp sắc ký khí – khối phổ (GC-MS) đã xác định được 43 thành phần trong tinh dầu của cành, lá và vỏ thân với tổng hàm lượng các chất là 98,0%, 98,8%, và 98,4%. Thành phần chính trong tinh dầu lá và cành tương đối giống nhau. Theo đó, thành phần chính trong lá gồm geranial (23,1%), neral (22,5%), linalool (22,5%) và sylvestrene (6,3%); geranial (30,9%), neral (29,6%), sylvestrene (11,8%) và linalool (6,1%) là các thành phần chính trong cành. Trong khi đó, sylvestrene là thành phần chính trong vỏ thân với hàm lượng 51,8%. Hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu cũng được đánh giá với 6 chủng vi sinh vật và một chủng nấm men. Kết quả cho thấy tinh dầu từ loài Giổi chanh có hoạt tính kháng mạnh đối với các chủng vi sinh vật được thử nghiệm. Tại nồng độ 64 mg/mL tinh dầu từ cả 3 bộ có khả năng kháng 3 chủng Gram (+) Enterococcus faecalis, Staphylococcus aureus và Bacillus cereus và nấm men Candida albicans. Tinh dầu từ cả 3 bộ phận cũng có khả năng kháng các chủng Gram (-) Escherichia coli, Pseudomonas aeruginsa và Salmonella enterica ở các nồng độ từ 128 mg/mL đến 256 mg/mL.
Hình 1. Magnolia citrata Noot. & Chalermglin (Magnoliaceae)
Nguồn trích dẫn tài liệu: Nguyen Hai Dang, Luu Dam Ngoc Anh, Tu Bao Ngan, Nguyen Anh Huyen, Bui Van Huong, Patrick Arpino, 2023. Chemical composition and potential for antimicrobial properties of Magnolia citrata Noot. & Chalermglin (Magnoliaceae) essential oils in Central Highlands of Vietnam. Academia Journal of Biology, 45(3): 13– 22. https://doi.org/10.15625/2615-9023/18231
Nguồn tin: Bùi Văn Hướng, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST