De Boer et al. (2018) đã chia các loài trong chi Sa nhân (Amomum Roxb.) thành 7 chi khác nhau là Amomum, Conamomum, Epiamomum, Lanxangia, Meistera, Sundamomum, Wurfbainia. Chi Meistera là chi có các loài phân bố từ Sri Lanka và Ấn Độ, khắp khu vực Đông Dương đến Sundaland, Papua New Guinea và miền bắc Australia (Queensland) (De Boer et al. 2018). Hiện tại, chi này có 45 loài và 3 thứ (variety), các loài thuộc chi Meistera là cây thảo có kích thước trung bình đến lớn.
Sáu loài Meistera đã được ghi nhận từ Trung Quốc (Ye 2018), đó là M. chinensis (Chun ex T.L.Wu) Škorničk. & M.F. Newman, M. gagnepainii (T.L.Wu, K.Larsen & Turland) Škorničk. & M.F. Newman, M. koenigii, M. muricarpa (Elmer) Škorničk. & M.F.Newman, M. verrucosa (S.Q.Tong) Škorničk. & M.F.Newman và M. yunnanensis (S.Q.Tong) Škorničk. & M.F.Newman. Hầu hết các loài này có ở khu vực Đông Dương và Ấn Độ. Ngoại lệ duy nhất là M. muricarpa, một loài được mô tả từ quần đảo Philippine, nhưng cũng được ghi nhận từ miền nam Trung Quốc, bắc Lào và Việt Nam. Amomum muricarpum Elmer lần đầu tiên được thu hái và mô tả vào tháng 6 năm 1909 từ Davao (Mindanao - Philippines; Elmer 1915). Wu (1977) lần đầu tiên sử dụng tên A. muricarpum trong ‘Flora Hainanica’ cho một loài phổ biến ở miền nam Trung Quốc, có khả năng dựa trên mẫu vật của Elmer với cánh môi màu trắng có dải màu vàng ở giữa và các đốm tía đỏ. Nhưng trong các nghiên cứu tiếp theo của loài này (Tsai et al. 1981, Wu và Chen 1991, Tong 1997, Wu và Larsen 2000, Fang 2016), màu của cánh môi là màu vàng mơ với các đốm và vân màu tía đỏ. Thông tin này phù hợp với các ghi chú trên nhiều mẫu của loài này được xác định bởi Wu và các nghiên cứu khác. Lamxay và Newman (2012) tiếp tục sử dụng tên này cho loài cây Sa nhân hoa màu vàng có ở Lào và Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự khác biệt về hình thái giữa mô tả gốc và mẫu của Meistera muricarpa (Meistera muricarpa (Elmer) Škorničk. & M.F.Newman, comb. nov. ≡ Amomum muricarpum Elmer), và làm rõ danh pháp của Meistera vespertilio. Bài báo mô tả chi tiết và ảnh màu của M. vespertilio dựa trên mẫu thu ở Việt Nam, Trung Quốc. Ngoài ra, bài báo cung cấp mô tả đầy đủ và ảnh màu của M. verrucosa, loài có phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam. Các thông tin về phân bố, sinh thái và đánh giá sơ bộ về bảo tồn theo IUCN (IUCN 2019) cũng được cung cấp cho cả hai loài.
1. Meistera vespertilio (Gagnep.) Škorničk. & M.F.Newman (2018: 26); Syn.: Amomum vespertilio Gagnep. in Bull. Soc. Bot. France 49: 255. 1903; (Ảnh 1).
2. Meistera verrucosa (S.Q.Tong) Škorničk. & M.F.Newman (2018: 26); Syn.: Amomum verrucosum S.Q.Tong (Ảnh 2).
Ảnh 1. Meistera vespertilio: cụm hoa và quả (Ảnh: Nguyễn Quốc Bình, chụp tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Ảnh 2. Meistera verrucosa: dạng cây, gốc phiến lá, cụm hoa, cụm quả (Ảnh: Nguyễn Quốc Bình, chụp tại Thuận Châu, Sơn La).
Nguồn trích dẫn tài liệu: Taxonomic studies on Amomum and related genera (Zingiberaceae) in China IV. Meistera vespertilio, the correct name for a widespread species in China, Laos and Vietnam previously misidentified as M. muricarpa. Nordic Journal of Botany (2021).
Nguồn tin: Nguyễn Quốc Bình, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST