Do biến đổi khí hậu, loài thực vật đất ngập nước nào trở nên dễ bị tổn thương và loài thực vật nào ngược lại có nguy cơ biến thành hiện tượng thực vật xâm lấn? Các nhà khoa học đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này và những câu hỏi khác trong khuôn khổ đề tài của Quỹ NCCB Belarus (BRFFR) “Đánh giá hiện trạng đa dạng thực vật của các hệ sinh thái đất ngập nước ở Belarus và Việt Nam”.
Vườn thực vật trung tâm (CBG), Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai hợp tác trong khuôn khổ đề tài về nghiên cứu so sánh hệ thực vật đất ngập nước vùng khí hậu ôn đới và cận xích đạo. Gần đây, ba nghiên cứu viên của CBG, là các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực bảo tồn và phục hồi tài nguyên thực vật, gồm chị Tatyana Kulagina, chị Natalya Gudnaya và TS Alexander Mialik làm trưởng đoàn (ảnh) đã có chuyến công tác tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của VNMN và CBG tại Vườn quốc gia Xuân Thủy
“Sự cần thiết phải tiến hành việc nghiên cứu hợp tác chung do tính chất toàn cầu của vấn đề suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng các quá trình xâm lấn. Belarus và Việt Nam nằm ở hai khu vực điều kiện tự nhiên khác nhau, cùng có chung một số loài, giống thực vật ưa nước trong thành phần loài vùng đất ngập nước” – TS. Mialik nhận xét. “Việc trao đổi kinh nghiệm thực hiện các nghiên cứu sinh hóa và di truyền phân tử sẽ cho phép chúng tôi thực hiện công việc đã lên kế hoạch và đạt được những kết quả tiêu biểu”.
Vùng đất ngập nước Ramsar được chọn là đối tượng để nghiên cứu các loài thực vật và sự đa dạng của thực vật ưa nước có mạch tại hai quốc gia Việt Nam và Belarus. Ở Belarus có các khu bảo tồn cấp quốc gia như khu vực “Trung lưu Pripyat” và “Đầm lầy Podvelikyi” nằm ở vùng Brest. Trong thời gian điều thực địa, nhóm nghiên cứu tại CBG đã lập danh sách các loài thực vật giúp đánh giá mức độ phong phú về loài và mức độ ngoại lai hóa của thảm thực vật trên các khu vực này. Đối với khu bảo tồn “Trung lưu Pripyat” đã xác nhận có sự hiện diện của 751 loài thực vật có hoa, trong đó có 563 loài là loài bản địa, còn 188 (hoặc 25%) là loài bản địa ngoại lai. Trong khu bảo tồn thiên nhiên “Đầm lầy Podvelikyi” đã ghi nhận có 462 loài thực vật thủy sinh: 376 loài trong số đó là loài bản địa và 86 loài (hoặc 19%) là ngoại lai. Theo đánh giá của TS. Myalik, nhìn chung, tỷ lệ phát triển của hệ thực vật Polesia chiếm 42%, gần gấp đôi so với trong các khu bảo tồn được chỉ định. Điều này cho thấy các khu bảo tồn đang thực hiện chức năng của mình, bảo vệ thế giới thực vật ở trạng thái gần giống tự nhiên.
Trên lãnh thổ của khu bảo tồn “Trung lưu Pripyat”, lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện ra wolffia (bèo tấm) không rễ - loài thực vật có hoa nhỏ nhất trên thế giới. Loài này, được liệt kê trong sách đỏ để bảo vệ dự phòng (tại Belarus), chỉ xuất hiện ở phía Nam của đất nước nhưng đang trở nên phổ biến hơn do sự ấm lên toàn cầu. Số lượng Salvinia natans được bảo vệ - loài dương xỉ thủy sinh duy nhất ở Belarus - cũng đang gia tăng. Nó được tìm thấy ngày càng nhiều hơn ở các con sông và hồ ở phía Bắc, gần đây đã xuất hiện trong lưu vực sông Neman. Nhóm nghiên cứu tại Vườn thực vật trung tâm (CBG) sẽ tiến hành phân tích di truyền phân tử của các quần thể loài này ở phía Nam đất nước và các địa phương mới để đánh giá tính dị hợp của chúng và tiềm năng mở rộng. Bởi vì nếu khí hậu tiếp tục ấm lên, rất khó dự đoán loài được bảo vệ này sẽ biểu hiện như thế nào: nó có thể trở nên xâm lấn và thậm chí có hại, lấn át các loài quý hiếm khác.
“Trong số các loài thực vật thủy sinh ở Belarus, có rất ít loài xâm lấn, đại diện là cỏ Zizania latifolia, trước đây được trồng để làm thức ăn cho chim nước săn bắt; cây lau cao hiếm gặp, Elodea nuttallii, chủ yếu được tìm thấy ở phía Nam của nước cộng hòa; và Elodea canadensis, phân bố rộng rãi trên khắp cả nước. Trong toàn bộ khu vực hệ sinh thái đầm lầy, chúng tôi đã phát hiện khoảng hai chục loài xâm lấn. Ví dụ, Echinocystis lobata (hay còn gọi là Dưa “điên”) đang ngày càng lan rộng trong các hệ sinh thái ngập nước của Pripyat và trở nên hung hãn nhất đối với miền Nam của đất nước," TS. Mialik cho biết.
“Tai họa” của các con sông và hồ
Trong khuôn khổ đề tài hợp tác song phương, các đồng nghiệp Việt Nam đánh giá đa dạng thành phần các loài thực vật của các hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, nằm ở đồng bằng sông Hồng. Nền tảng của nó là các rừng ngập mặn ven biển Biển Đông. Gần đây, nhóm nghiên cứu của CBG đã đến điều tra thực địa tại Việt Nam trong tháng 8/2024. Tại Việt Nam, các thực vật học của Belarus đã ghi nhận sự gia tăng số lượng các loài thực vật ngoại lai tiềm năng xâm lấn, một số trong đó giống với các loài của chúng ta. Ví dụ, Eichhornia crassipes (lục bình), có mặt ở cả hai quốc gia, khiến các hồ và sông bị xâm chiếm. Ở Belarus, loài này hiện đang được trồng trong các ao trang trí, bể cá và đôi khi trong các ao ngoài trời. Trong các ao trang trí, chúng ta cũng gặp phải Pistia, còn ở Việt Nam, nó đã phổ biến khắp nơi trong tự nhiên.
Các nhà khoa học của CBG đã thu thập tài liệu để bổ sung vào các bộ sưu tập của vườn thực vật: bộ tiêu bản của khoảng 150 loài thực vật và hơn 20 mẫu hạt giống cho bộ sưu tập carpological (quả và hạt). Một phần hạt giống thu thập được sẽ được chuyển đến nhà kính (greenhouse) của CBG, nơi sẽ thử trồng các đại diện của hệ thực vật Việt Nam, chẳng hạn như Terminalia catappa (cây Bàng) và Casuarina equisetifolia (cây Phi lao).
“Ở Việt Nam do mật độ dân số cao nên còn rất ít nơi cho thiên nhiên hoang dã. Vườn quốc gia Xuân Thủy có một phần nhỏ bên bờ Biển Đông. Tuy nhiên, mặc dù được bảo tồn, nhưng nơi này vẫn được người dân tích cực sử dụng cho các hoạt động kinh tế truyền thống như đánh bắt cá, nuôi tôm và trồng các loại cây trồng nông nghiệp. Vấn đề lớn của Vườn quốc gia là rác thải từ biển theo thủy triều vào", theo TS. A. Mialik. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp Việt Nam và bản thân cũng thu được nhiều kiến thức mới khi tới điều tra nghiên cứu tại rừng ẩm ướt cận xích đạo ở khu vực miền núi - Vườn quốc gia Cúc Phương - một trong những vườn quốc gia đầu tiên và lâu đời nhất ở Việt Nam. Vào tháng 10, dự kiến sẽ có đoàn của các nhà khoa học Việt Nam sang trao đổi, thăm CBG và các khu bảo tồn thiên nhiên Polesia.
Nguồn: HABYKA - Bản tin Viện Hàn lâm khoa học Belarus, số 39 (3026) ngày 24.09.2024, trang số 7. Biên dịch: Trần Võ Quyên – Lưu Đàm Ngọc Anh