Hiện nay, sự suy giảm các loài ếch nhái ngoài tự nhiên là biểu tượng khủng hoảng đa dạng sinh học trên toàn toàn cầu mà nguyên nhân chính là do sự bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó, bệnh dịch do nhiễm nấm được đánh giá có mức độ nguy hiểm hơn so với các nguồn gây bệnh khác. Trong thời gian gần đây, chủng nấm gây bệnh Chytridiomycosis, có tên khoa học là Batrachochytrium dendrobatidis (Bd), và B. salamandrivorans (Bsal) là nguyên nhân chính đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng và đang đẩy các quần thể ếch nhái đến bên bờ tuyệt chủng. Những bằng chứng công bố gần đây cho thấy các quần thể ếch nhái phân bố ở Đông Nam Á là nơi tiềm năng cho cả 2 chủng nấm trên cùng tồn tại với cơ chế vật chủ - mầm bệnh.
Nghiên cứu tiến hành kiểm tra chủng nấm Bsal và Bd trên các quần thể 8 loài cá cóc phân bố ở Việt Nam cho kết quả rất quan trọng, chủng nấm Bsal ghi nhận chiếm ưu thế trên các quần thể 5 loài cá cóc với tỷ lệ 2,92% và tồn tại trong dải nhiệt độ cao hơn; trong khi đó chủng nấm Bd chỉ ghi nhận duy nhất trên một quần thể loài cá cóc, với tỷ lệ 0,69%. Bên cạnh đó, mối tương quan giữa sự nhiễm bệnh nấm, thể trạng cơ thể và sự vắng mặt của dấu hiệu bệnh liên quan, cho thấy tính đặc hữu mầm bệnh ở mức độ không cao. Kết quả phân tích cũng xác định ngưỡng nhiệt tồn tại của hai chủng nấm trong khoảng nhiệt độ thích hợp từ 20-26,4 0C, rộng hơn so với những kết quả nghiên cứu trước đây ghi nhận.
Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp thêm bằng chứng thuyết phục cho giả thiết rằng những chủng nấm ký sinh trên quần thể cá cóc có nguồn gốc từ Châu Á.
Kết quả nghiên cứu được nhóm nghiên cứu Phòng Bảo tồn thiên nhiên (VNMN) cùng với các đồng nghiệp Trường Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ) đăng trên tạp chí quốc tế uy tín Scientific Report - Nature (http://www.nature.com), ngày 13 tháng 3 năm 2017.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Nafosted tài trợ, trong đề tài hợp tác song phương Việt Bỉ (Nafosted - FWO) do TS. Nguyễn Thiên Tạo làm chủ nhiệm.
Hình ảnh thu mẫu bệnh trên da loài cá cóc tam đảo – Paramesotriton deloustali ngoài tự nhiên để phân tích.
Hình 1: Khảo sát thực địa thu thập mẫu cá cóc và các số liệu phân tích liên quan.
Hình 2: Lấy mẫu nấm ký sinh trên cơ thể cá cóc.
Tin bài & ảnh: ThS.Ngô Ngọc Hải, TS.Nguyễn Thiên Tạo