Hang động núi lửa Krông Nô ở Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông được phát hiện năm 2007, được nghiên cứu đánh giá giá trị di sản trên cả ba lĩnh vực địa chất, sinh học và văn hóa từ năm 2017 đến nay. Các hang động này có nguồn gốc nguyên sinh, chứa các thành tạo địa chất khác nhau và đa dạng, với 7 kiểu di sản địa chất theo phân loại GILGES của UNESCO, bao gồm: Kiểu A - Cổ sinh, Kiểu B - Địa mạo, Kiểu C - Cổ môi trường, Kiểu D - Đá, Kiểu E - Địa tầng, Kiểu F - Khoáng vật, khoáng sản, và Kiểu I - Kiến tạo. Sinh vật trong hang có tính đa dạng cao với nhiều loài sinh vật đã được phát hiện, trong đó có loài mới cho khoa học và đặc hữu cho hang động núi lửa Krông Nô. Kết quả nghiên cứu, khai quật đã xác lập được trong hang động núi lửa Krông Nô có nhiều loại hình di tích khảo cổ, bao gồm: di tích cư trú, di tích điểm chế tác công cụ, mộ táng, trại săn tạm thời và có biểu hiện của nghi lễ tôn giáo rất có giá trị, độc đáo và hiếm gặp trên thế giới. Các di sản đa dạng trong hang động núi lửa Krông Nô được quy hoạch bảo tồn tại chỗ, nhằm phát huy tối đa các giá trị di sản, phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu, tham quan thưởng ngoạn của cộng đồng. Bài viết này giới thiệu hướng nghiên cứu mới về bảo tồn di sản: nghiên cứu bảo tồn tại chỗ các di sản hang động núi lửa (lấy thí dụ hang C6.1), góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội ở Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đăk Nông.
Di sản hang động núi lửa Krông Nô là di sản hỗn hợp, có giá trị lớn cả về khoa học và thực tiễn, là điểm nhấn đặc biệt có giá trị nổi bật toàn cầu, là linh hồn và là tài sản vô giá của CVĐC Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung nên rất cần được bảo tồn và khai thác hợp lý, hiệu quả, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Bảo tồn bảo tàng tại chỗ di sản là xu hướng khách quan và hiệu quả, cần áp dụng rộng rãi đối với các di sản hỗn hợp, đặc biệt là loại hình di sản có liên quan đến khảo cổ.
Để bảo tồn, khai thác an toàn và hiệu quả di sản hang động ở CVĐC Đắk Nông cần phải nghiên cứu, đánh giá và xử lý độ an toàn hang động trước khi mở cửa đón khách vào hang.
Nên tiếp tục có các hợp tác đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu về di sản, cũng như các phương pháp bảo tồn tối ưu cho di sản hang động núi lửa Krông Nô để khai thác bền vững nguồn tài nguyên di sản vô giá này. Tiếp tục tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản hang động nói riêng và di sản của CVĐC nói chung, nhằm bảo tồn và khai thác hợp lý - hiệu quả các giá trị tổng thể của di sản, phát triển bền vững kinh tế xã hội trong liên kết vùng và hội nhập.
Nguồn trích dẫn tài liệu: The On-Site Volcanic Cave Conservation Museum at the Dak Nong UNESCO Global Geopark. Zhizn’ Zemli [Life of the Earth]. Vol. 44, N1. 2022. Ppg. 51-64, 2022. ISSN 0514-7468. УДК 581.52 (571.66). DOI 10.29003/m2621.0514-7468.2022 44 1/51-64.
Nguồn tin: Nguyễn Trung Minh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST