BỘ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Một số bộ chỉ tiêu phát triển bền vững (PTBV) đã được xây dựng và thông qua ở các cấp của Việt Nam, gồm bộ chỉ tiêu PTBV cấp quốc gia, cấp địa phương (cấp tỉnh), bộ chỉ tiêu mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, bộ chỉ tiêu mục tiêu PTBV. Theo tiến trình phát triển của các bộ chỉ tiêu PTBV của Liên Hợp Quốc, từ năm 2012 ở nước ta tồn tại song song hai bộ chỉ tiêu PTBV: (1) Bộ chỉ tiêu mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGIs) và (2) bộ chỉ tiêu PTBV cấp quốc gia và địa phương (SDIs) (Xem hình dưới). Hai bộ chỉ tiêu được sử dụng cho 2 mục đích khác nhau, không mâu thuẫn nhau, bổ sung cho nhau. Bộ chỉ tiêu mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam gồm 48 chỉ tiêu phát triển Thiên niên kỷ và 35 chỉ tiêu phát triển của Việt Nam. Sau các mục tiêu PTBV được thông qua năm 2015, Văn phòng Agenda 21 của Việt Nam đã tổ chức các hội thảo nhằm rà soát các chỉ tiêu mục tiêu PTBV của Liên Hợp Quốc ở Việt Nam. Để thực hiện chương trình Agenda 30 về PTBV ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia năm 2017. Kế hoạch này đã đề cập đến đến việc xây dựng và ban hành các chỉ tiêu mục tiêu PTBV của Việt Nam. Bộ chỉ tiêu PTBV cấp quốc gia và địa phương được sử dụng để theo dõi, giám sát và đánh giá chiến lược PTBV của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020 ở cấp quốc gia và giai đoạn 2013 – 2020 ở cấp tỉnh ban hành năm 2012 và 2013.

Việc triển khai áp dụng hai bộ chỉ tiêu PTBV ở cấp quốc gia và địa phương đang gặp những khó khăn nhất định. Các nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên là do những thiếu sót khi xây dựng các bộ chỉ tiêu này. Các thiết sót có thể kể đến gồm sự thiếu vắng của các chỉ tiêu liên quan đến biển đảo, sự trùng lặp và khó khăn khi tính toán các chỉ tiêu tổng hợp, tính khả thi thấp. Nguyên nhân cơ bản của những thiếu sót là do khi xây dựng các bộ chỉ tiêu này không dựa trên một khung lý thuyết cần thiết, mức độ sẵn có của số liệu chưa được quan tâm đúng mức khi xây dựng bộ chỉ tiêu, công tác chuyển giao và đào tạo các cán bộ phụ trách thu thập, tính toán giá trị của các chỉ tiêu chưa được thực hiện một cách triệt để.

Hai bộ chỉ tiêu PTBV ở cấp quốc gia và địa phương chưa có các công cụ kỹ thuật (Công nghệ thông tin) hỗ trợ cho việc theo dõi, giám sát, và đánh giá tiến trình hướng đến PTBV. Bộ chỉ tiêu PTBV Tây Nguyên là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng bộ chỉ tiêu PTBV ở Việt Nam, đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ của PTBV dựa trên khung xây dựng bộ chỉ tiêu PTBV theo Liên Hợp Quốc. Cùng với bộ chỉ tiêu PTBV của Tây Nguyên là phần mềm hỗ trợ tính toán giá trị của các chỉ tiêu PTBV giúp cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá tiến trình hướng đến PTBV của các tỉnh Tây Nguyên. Các tiếp cận này có thể áp dụng cho việc xây dựng bộ chỉ tiêu PTBV ở Việt Nam nhằm đưa ra những cơ sở khoa học tin cậy để có thể đề xuất, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi hai bộ chỉ tiêu PTBV đã ban hành. Ngoài ra, những kinh nghiệm, thủ tục, phương pháp thu nhận được trong quá trình xây dựng bộ chỉ tiêu PTBV Tây Nguyên có thể áp dụng cho xây dựng bộ chỉ tiêu mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Chi tiết có thể tham khảo bài báo “Sets of Sustainable Development Indicators in Vietnam: Status and Solutions” theo đường link: http://www.mdpi.com/2227-7099/6/1/1

Tin: Phòng Địa lý, Thổ nhưỡng và Môi trường

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Tin cùng loại