PHÁT HIỆN VÀ MÔ TẢ MỘT LOÀI MỘC HƯƠNG MỚI CHO KHOA HỌC TẠI BÌNH THUẬN

            Một loài thực vật mới cho khoa học, Mộc hương Bình Thuận (Aristolochia binhthuanensis T.V. Do), vừa mới được phát hiện và mô tả từ Bình Thuận, Việt Nam.

            Chi Mộc hương (Aristolochia L.) thuộc họ Aristolochiaceae gồm khoảng 600 loài phân bố chủ yếu vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, là một trong những nhóm thực vật quan trọng, có giá trị làm cảnh, làm thuốc hay cung cấp thức ăn cho sâu non thuộc họ Bướm phượng (Papilionidae, Lepidoptera). Ở Việt Nam, chi này được biết khoảng 28 loài thuộc 2 phân chi AristolochiaSiphisia.

            Trong khi nghiên cứu tính đa dạng chi Mộc hương ở Việt Nam, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Khoa Sinh học, trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và Đại học Tổng hợp Moscow Lomonosov, CHLB Nga đã phát hiện và mô tả một loài thực vật mới thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) tại KBTTN Biển Lạc-Núi Ông, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Loài thực vật mới có tên khoa học là Mộc hương Bình Thuận, Aristolochia binhthuanensis T.V. Do

            Loài mới có đặc điểm hình thái tương tự với các loài A. yalaensis, A. chlamydophylla, và A. cambodiana, tuy nhiên loài mới được phân biệt với các loài kể trên bởi những đặc trưng hình thái như: phiến lá hình tim hay gần tròn, kích thước 11-14 × 8-12 cm, cả 2 mặt lá nhẵn, gân gốc 9 gân dạng chân vịt; hoa xim mang 2-3 hoa, trên trục cụm hoa rất ngắn, dài khoảng 5 mm; lá bắc hình trứng rộng, kích thước 7-12 × 4-6 mm; bao hoa màu vàng; gốc bao hoa dạng trứng thuôn, kích thước 8-13 × 5-8 mm, không có cuống đính với bầu; cánh môi 1 thùy, dạng mũi mác, phần trên dạng trứng-ngọn giáo, kích thước 12-16 × 7-9 mm, thường uốn cong về phía sau, đầu có mũi nhọn; bộ nhị nhụy (gynostemium) gồm 6 thùy với phần đỉnh hình nón. Những đặc điểm hình thái trên đặt loài mới này trong phân chi Aristolochia. Đây là loài thứ 2 của phân chi Aristolochia được phát hiện và mô tả gần đây ở Việt Nam và nâng tổng số loài của phân chi Aristolochia ở Việt Nam lên 8 loài. Chúng tôi cũng xây dựng khóa định loại cho tất cả các loài của phân chi Aristolochia ở Việt Nam.

Ảnh: Mẫu chuẩn của Aristolochia binhthuanensis (downloaded from https://plant.depo.msu.ru/public/scan.jpg?pcode=MW0736405)

Kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành Annales Botanici Fennici số 56: 241-246, năm 2019. Thông tin chi tiết tham khảo tại: http://www.sekj.org/PDF/anb56-free/anb56-241-246-free.html

Tin: TS. Đỗ Văn Trường

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tin cùng loại