ẢNH HƯỞNG CỦA GIÓ MÙA ĐẾN ĐA DẠNG THỰC VẬT Ở BẮC ĐÔNG DƯƠNG: BẰNG CHỨNG TỪ HỆ THỰC VẬT YÊN BÁI TUỔI MIOCEN MUỘN Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

Đông Dương điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu. Nó mang lại tiềm năng hiểu biết về sự tiến hóa của đa dạng sinh học. Tuy nhiên, sự hiểu biết về lịch sử đa dạng thực vật ở khu vực này vẫn còn bí ẩn do sự hạn chế về số lượng các hóa thạch thực vật. Gần đây, một hệ thực vật hóa thạch mới được phát hiện từ trầm tích Miocen thượng ở bồn trũng Yên Bái, miền bắc Việt Nam. Hệ thực vật hóa thạch này chỉ ra rằng thảm thực vật tuổi Miocen muộn ở miền Bắc Việt Nam bao gồm các thành phần của rừng lá rộng rụng lá và thường xanh nhiệt đới hỗn hợp được đặc trưng bởi họ Đậu, họ Dẻ và họ Long não và mang nhiều nét tương đồng với thảm thực vật hiện đại ở miền Bắc Việt Nam (Hình 1, 2). Tái dựng cổ khí hậu cho tập hợp hóa thạch thực vật này bằng Phương pháp cùng tồn tại (Coexistence Approach) cho thấy nhiệt độ trung bình hàng năm là 18,5–23,0 oC và lượng mưa trung bình hàng năm là 1183,1–2078,5 mm. Tương tự, sử dụng Chương trình phân tích khí hậu lá đa biến cho nhiệt độ trung bình hàng năm là 21,3 ± 2,3 oC và lượng mưa trong mùa sinh trưởng là 1328,6 ± 606,0 mm. Độ dài của mùa sinh trưởng là khoảng 11 tháng. Nhìn chung, những kết quả này cho thấy khí hậu nhiệt đới gió mùa ấm và ẩm giống như hiện đại ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ Miocen muộn. So sánh khí hậu của hệ thực vật Yên Bái với các hệ thực vật hóa thạch khác ở miền bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc cho thấy sự ổn định tương đối của nhiệt độ theo mùa kể từ giữa thế Eocen nhưng có sự biến đổi dài hạn rõ ràng về tính chất mùa mưa, đặc biệt là lượng mưa trong ba tháng liên tiếp của mùa khô. Điều này cho thấy gió mùa châu Á ở miền Bắc Việt Nam đã trải qua những biến đổi rõ rệt từ giữa thế Eocen đến cuối thế Miocen và mạnh lên đáng kể vào giữa và cuối thế Miocen. Những kết quả này cho thấy quá trình đa dạng thực vật ở phía bắc Đông Dương có thể bắt đầu từ kỷ Paleogen và phát triển hơn nữa vào cuối thế Miocen và có liên quan đến sự phát triển của gió mùa châu Á chủ yếu sự thay đổi lượng mưa mùa khô.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Palaeogeography, Palaeoclimatology, Palaeoecology 634 (2024) 111925, https://doi.org/10.1016/j.palaeo.2023.111925.

Hình 1. Thành phần hóa thạch thực vật của hệ thực vật Yên Bái. Màu sắc khác nhau thể hiện cho các họ khác nhau. Các phần nổi bật từ biểu đồ với tỷ lệ phần trăm thể hiện cho các họ thực vật chiếm ưu thế

Hình 2. Bản đồ thể hiện sự tương đồng của hệ thực vật Yên Bái và thảm thực vật hiện đại. Các giá trị tương đồng cao thể hiện mức độ tương đồng cao giữa hệ thực vật hóa thạch và thảm thực vật hiện đại.

Nguồn tin: Nguyễn Bá Hùng, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST

 

Tin cùng loại