Với mục đích xác định chính xác các loài Sâm (Panax spp.) mọc tự nhiên ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, chúng tôi đã thu thập 30 mẫu Sâm tự nhiên và sử dụng vùng gen nhân (ITS-rDNA) để phân tích. Tỷ lệ thành công cho phản ứng khuyếch đại PCR vùng gen nhân là 100%. Tỷ lệ đọc thành công trình tự hai chiều đạt được từ sản phẩm PCR là 100%, với độ dài trình tự nucleotide là 588 bp. Trên cơ sở phân tích dữ liệu vùng ITS-rDNA, các mẫu sâm ở Tuyên Quang và Cao Bằng được định loại là loài Tam thất (P. notoginseng) (MLBS = 100%) và các mẫu sâm ở Hà Giang và Yên Bái được định loại là loài Tam thất hoang (P. stipuleanatus) (MLBS = 99%). Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận bổ sung vùng phân bố tự nhiên của loài Tam thất (P. notoginseng) tại Tuyên Quang và Cao Bằng. Chúng tôi đã đăng ký thành công 24 trình tự Nucleotide trên Genbank của các mẫu Panax được nghiên cứu (trình tự OM190408 đến OM190410, OM213014 đến OM213030, và OK376138 đến OK376141).
Nguồn trích dẫn tài liệu: Phan Kế Long. Trần Thị Việt Thanh. Đỗ Văn Trường. (2022). Identification of Panax spp. In the Northern Vietnam based on ITS-rDNA sequence analysis. VIETNAM JOURNAL OF BIOTECHNOLOGY., 4(20): 633-641.
Nguồn tin: Phan Kế Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST