PHÁT HIỆN DẤU TÍCH PHÂN HÓA THẠCH CỦA CÁ SẤU TRONG THẾ THỦY TÂN (EOCENE) Ở VIỆT NAM

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về phân hóa thạch đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Đây được xem là hướng nghiên cứu mới lạ về cổ sinh vật học và đã trở thành một chủ đề nổi bật trong nghiên cứu về dấu vết hóa thạch.

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu về cổ sinh vật học tại Việt Nam, một nhóm các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CNVN và các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nhân chủng học và Cổ sinh động vật có xương, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát tại mỏ than Na Dương, tỉnh Lạng Sơn, miền Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã thu thập được hơn 100 mẫu phân hóa thạch với nhiều dấu vết chân hiện rõ, và được nghi ngờ là phân hóa thạch của cá sấu ở giai đoạn thế Thủy tân (Eocene). Hầu như tất cả các phân hóa thạch được phát hiện đều được cho là có nguồn gốc từ cá sấu, từ đó cho thấy trong quá khứ, khu vực Na Dương, tỉnh Lạng Sơn có thể có sự tồn tại của một hồ nước rất lớn.

Hơn nữa, các phân tích về dấu chân các loài cá sấu hiện tại đã củng cố suy luận rằng các dấu vết ngón chân trên phân hóa thạch thu được là tương đồng với dấu chân loài cá sấu. Trên cơ sở đó, chúng tôi kết luận các dấu vết thu được có thể thuộc về một loài cá sấu có chiều dài khoảng 2 m, và các dấu vết trên là các ngón IV hoặc V của tay phải. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được các dấu vết của chân, do đó cần có thêm các nghiên cứu về hóa thạch tại mỏ than Na Dương, tỉnh Lạng Sơn để củng cố thêm các nhận định về cổ sinh học ở đây.

Ảnh minh họa: Phân hóa thạch của cá sấu ghi nhận tại Na Dương

Nguồn trích dẫn tài liệu: Kazim Halaclar, Paul Rummy, Tao Deng, Truong Van Do (2022). Footprint on a coprolite: A rarity from the Eocene of Vietnam. PALAEOWORLD. 31: 723-732. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1871174X22000105

Nguồn tin: Đỗ Văn Trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST

Tin cùng loại