PHÁT HIỆN LOÀI THỰC VẬT MỚI Ở SƠN LA, VIỆT NAM

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu đa dạng thực vật vùng núi đá vôi của Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Thực vật Quảng Tây, Trung Quốc; và Tổ chức bảo tồn Tai voi, Hoa Kỳ đã phát hiện và mô tả loài thực vật mới có tên khoa học là Chayamaritia vietnamensis F.Wen, T.V.Do, Z.B.Xin & S.Maciejewski, thuộc họ Tai voi (Gesneriaceae). Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu tính đa dạng của một số nhóm thực vật núi đá vôi ở KBTTN Xuân Nha, Sơn La, Việt Nam, được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu bảo tồn thực vật Tai voi, Viện Thực vật Quảng Tây, Trung Quốc và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Chi Chayamaritia gồm 2 loài (C. banksiae C. smitinandii), phân bố chủ yếu vùng nhiệt đới của Lào và Thái Lan. Chi này lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Loài mới được mô tả dễ dàng phân biệt với 2 loài đã biết do có phiến lá hình khiên. Bên cạnh đó, loài mới có thể phân biệt với loài C. banksiae do có 3 lá bắc, đầu tròn và mép lá nguyên (vs. 2 lá bắc, đầu nhọn và mép có răng); bên trong thùy đài nhẵn, mép nguyên (vs. bên trong có lông, mép có răng cưa). Loài mới cũng có thể phân biệt với loài C. smitinandii do phiến lá có đầu tròn, mép nguyên (vs. đầu nhọn và mép có răng cưa); bên trong thùy đài nhẵn, mép nguyên (vs. bên trong có lông mịn, mép có răng cưa).

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành Phytokeys 177: 45-53 (2021).

Ảnh: Hình thái chung của Chayamaritia vietnamensis (Ảnh Đỗ Văn Trường)

Nguồn tin: Đỗ Văn Trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, VAST

Tin cùng loại