Nghiệm thu kết quả thực hiện dự án thành phần mã số BSTMV.22/15–19 thuộc Dự án “Xây dựng bộ Sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam giai đoạn 2015-2020.”

Tải file tài liệu đính kèm

Sản phẩm của DATP là bộ mẫu Sinh vật biển đại diện cho khu vực Miền Nam - Việt Nam. Bộ mẫu phản ánh khách quan tình hình mẫu sinh vật biển đại diện cho khu vực nghiên cứu hiện nay. Trong giai đoạn 2015 – 2020, dự án thành phần đã tiến hành sưu tập mẫu vật của các nhóm bao gồm Sinh vật phù du (Động vật và Thực vật phù du), Thực vật biển (Rong biển và Cỏ biển), Động vật không xương sống (các nhóm Hải miên, Thân mềm, Giáp xác, Da gai, Giun nhiều tơ, Tuyến trùng, San hô 6 ngăn và San hô 8 ngăn) và nhóm Động vật có xương sống (chủ yếu là cá Xương và cá Sụn) là 20.101 mẫu vật, trong đó có 2.626 mẫu trưng bày và 17.475 tiêu bản nghiên cứu. Toàn bộ mẫu vật đã được sắp xếp trên kệ đựng mẫu theo từng nhóm sinh vật tại phòng lưu trữ mẫu sinh vật biển Miền Nam Việt Nam (tầng trệt của tòa nhà 4 tầng, Viện Hải dương học). Kết quả số lượng mẫu vật cụ thể của từng nhóm hoàn thành đúng theo kết hoạch đề ra hàng năm (từ năm 2015 đến năm 2020).

Dự án thành phần (DATP) do TS. Hoàng Xuân Bền làm chủ nhiệm, Viện Hải dương học là cơ quan chủ trì với các mục tiêu: Có được bộ mẫu khoảng 50% tổng số loài sinh vật biển Miền Nam Việt Nam phục vụ trưng bày và nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; Góp phần hoàn thiện bộ mẫu sinh vật ở biển thuộc bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam Phục vụ nghiên cứu trưng bày; Nâng cao năng lực nghiên cứu và hiểu biết cộng đồng; Nâng cao kỹ năng về phân loại sinh vật biển hỗ trợ cho hướng nghiên cứu về đa dạng sinh học biển phục vụ bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên và giáo dục truyền thông về môi trường biển

DATP thực hiện trong giai đoạn 2015 -2020 đã có nhưng đóng góp mới đáng chú ý như sau:

- Sưu tập mẫu vật của các nhóm bao gồm: Sinh vật phù du, Thực vật biển, Động vật không xương sống và nhóm Động vật có xương sống với tổng số 20.101 mẫu vật, trong đó có 2.626 mẫu trưng bày và 17.475 tiêu bản nghiên cứu. Trong số mẫu vật thu thập có 2.167 loài chiếm khoảng 20% tổng số loài sinh vật được biết ở vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án thu thập trên 360 mẫu sinh vật ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này. Hiện nay, toàn bộ mẫu vật với đầy đủ cơ sở dữ liệu đang được lưu trữ tại kho bảo quản mẫu vật của Viện Hải dương học.

- Dự án đã góp phần đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu về định loại cho các cán bộ khoa học của Viện cũng như các nhóm chuyên môn mới như: Hải miên, Tuyến trùng, Giáp xác, Thực vật. Mặt khác, thông qua dự án thành phần các nhà chuyên môn đã tự tìm hiểu các kỹ năng chế tác mẫu vật và kết quả đã cho ra những tiêu bản trưng bày đẹp mắt, có tính thẩm mỹ cao và lưu giữ được trong thời gian dài.

- Một số mẫu vật độc đáo (mẫu San hô trúc thu ở vùng biển Trường Sa, cá Giống mõm nhọn) đã được trưng bày phục vụ khách tham quan tại phòng trưng bày Tiến hóa sinh giới, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Việc trưng bày mẫu vật không chỉ góp phần nâng cao giá trị đa dạng sinh học của sinh vật biển Việt Nam mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về hiểu biết thiên nhiên và bảo tồn nguồn lợi sinh vật biển.

- Dự án đã phát hiện một loài cá biển mới cho khoa học (Cá Đàn lia - Callionymus vietnamensis) và ghi nhận nhiều loài mới cho khu hệ sinh vật biển Việt Nam cũng như mở rộng vùng phân bố địa lý của nhiều loài sinh vật biển. Sản phẩm vượt trội của dự án là 2 bài báo quốc tế.

- Dự án đã được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu, đánh giá có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả xếp loại xuất sắc.

Album ảnh